80% NHỮNG NGƯỜI CÀNG LÀM VIỆC CÀNG THỤT LÙI CÓ ĐẶC ĐIỂM NÀY: CÓ THÓI QUEN TĂNG CA
1. Ngưng trì hoãn – Ít tăng ca
Đâu là kiểu đồng nghiệp nào đáng ghét nhất trên đời? Đó là người hay "trải lòng" trên Facebook vào nửa đêm với nội dung đại loại như: "Cả công ty chỉ còn mình tăng ca đến giờ này thôi." Để minh hoạ, họ đính kèm bức ảnh cốc mỳ mới ủ và gắn địa chỉ của công ty vào bài đăng.
Họ viết những dòng này là để cho các sếp đọc. Họ đều ở trong tình trạng lúc người khác làm việc thì họ chơi, còn lúc người người nghỉ ngơi thì họ làm. Họ thích đóng vai một nhân viên hết mình vì công việc trước mặt các sếp. Chỉ tiếc là chiêu này đã quá lỗi thời và cũng chẳng được xem là nước đi khôn ngoan.
Việc nhân viên thường xuyên phải tăng ca sẽ không chỉ là vấn đề của một người nữa mà còn là vấn đề của cả doanh nghiệp. Tất nhiên các ông chủ sẽ không bao giờ thừa nhận công ty của mình đang có vấn đề.
Tôi tình cờ nghe được câu chuyện về cô gái luôn thích trốn vào nhà vệ sinh để chơi điện thoại trong giờ làm việc. Một lần, khi cô đi từ nhà vệ sinh ra với đôi mắt dán vào điện thoại, sếp trông thấy hỏi cô một câu: "Đang làm gì đấy?". Cô buột miệng trả lời: "Đi vệ sinh có lương." Nhưng ngay khi phát hiện ra đó là sếp, cô chỉ còn nước ba chân bốn cẳng lủi thật nhanh về phòng.
Nhóm người có thu nhập trung bình có thời gian làm việc dài nhất trung bình 8 tiếng mỗi ngày. Tất nhiên, nhiều người đã phản bác rằng họ luôn làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày. Nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng thời gian họ ngồi chơi ở công ty cũng không ít. Vậy tại sao lại như vậy? Điểm chung là họ đều thích trì hoãn. Phong cách làm việc của họ không còn là "nước đến chân rồi mới nhảy" mà phải là "nước đến cổ mới chịu nhảy".
Điều này làm tôi liên tưởng đến cậu học sinh cuối cấp trong phim Reply 1988. Như thường lệ, cậu mang sách vở vào phòng tự học. Đầu tiên, cậu ngồi xuống. Sau đó, cậu dùng khăn giấy lau bàn và xếp sách, vở, bút lên mặt bàn. Cuối cùng, cậu lại gục xuống đánh một giấc ngon lành trong phòng tự học. Nực cười thay đây cũng chính là hình ảnh của nhiều người khi đi làm. Có rất ít người được làm công việc yêu thích. Nhưng xin đừng ghét bỏ công việc của mình và đừng để một ngày đi làm trôi qua vô ích. Bởi vì mỗi ngày đi làm luôn có rất nhiều cơ hội cho chúng ta.
Tất cả những vấn đề mà chúng ta gặp phải có thể phân ra làm 3 loại: loại có thể kiểm soát được, loại khó kiểm soát và loại nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta thường hay trì hoãn những vấn đề thuộc nhóm có thể xử lý kiểm soát được. Bạn có thể tự đặt cho mình một số câu hỏi sau để tìm ra động lực trong công việc. Ví dụ: Mục tiêu sự nghiệp và gia đình của bạn là gì? Nếu bạn muốn làm leader cho một dự án nào đó thì bây giờ hãy bắt tay vào hành động luôn đi. Hãy lập ra một bản kế hoạch chi tiết cụ thể thay vì chỉ để đối phó. Đối với gia đình, bạn đặt mục tiêu năm sau sẽ đổi xe mới. Vậy thì bạn sẽ phải kiếm tiền như thế nào? Phải chăng là đợi đến khi bạn có lương thưởng thì mới tích đủ tiền?
Hãy nghĩ xa hơn chút để tìm được động lực làm việc. Nếu bạn là người thông minh, hãy tăng năng suất thay vì kéo dài thời gian lao động.
2. Tăng ca nhiều hay đang "tự chôn sống" chính mình
Cách tốt nhất để hủy hoại một con người chính là hãy để cho người đó thật nhàn nhã. Nhưng mặt khác, bận rộn cũng được coi là một phương thức hữu hiệu để làm việc này. Hãy để một con người bận rộn đến mức chỉ biết đến công việc. Hãy để họ bận đến độ không còn thời gian để sống.
Những người công nhân cơ khí ngày nào cũng làm những công việc giống hệt nhau, trông không khác gì một cỗ máy sống được lập trình sẵn. Nếu quản lý chặt hơn thì nói không chừng bọn họ sẽ còn được lập trình cả thời gian đi vệ sinh nữa. Vì vậy, đó là những lao động sẽ bị thay thế bởi người máy trong thời đại công nghệ 4.0 này.
Một giáo viên môn lịch sử lên lớp hai buổi mỗi tuần. Giáo viên này có thể sẽ có nhiều thời gian hơn để đọc sách cũng như xem thêm các bộ phim tài liệu. Như vậy, khi lên lớp, họ có thể cung cấp cho học sinh những kiến thức ngoài sách vở. Từ đó, họ sẽ khơi gợi được hứng thú học tập cũng như nhận được sự yêu mến của các em học sinh. Các giáo viên sẽ có động lực để trau dồi thêm kiến thức. Nhờ vậy, hiệu quả của mỗi tiết dạy cũng ngày càng được nâng cao. Không chỉ vậy mà các thành tích học tập của các em học sinh cũng được cải thiện. Do đó, những giáo viên này sẽ nhận được những đánh giá tích cực và được tăng lương. Ngược lại, nếu như giáo viên phải lên lớp quá nhiều trong một tuần, mỗi ngày họ sẽ chỉ giảng giải được những nội dung cố định, không có sự cập nhật kiến thức. Ngoài giờ dạy, họ cũng phải chấm đến hàng trăm bài kiểm tra. Thời gian đâu để họ nghĩ đến chuyện nâng cao năng lực để cải thiện chất lượng giảng dạy?
Khi đi làm mà phải nhận những đãi ngộ không tương xứng, nhiều người trẻ chưa nhiều vướng bận sẵn sàng bỏ việc. Nhưng những người mang trong mình vướng bận gia đình thì thường sẽ nhẫn nhịn chịu đựng. Nếu bạn rơi vào tình cảnh này, hãy bình tĩnh suy xét kỹ các vấn đề sau: Công việc và công ty đã cho bạn những thứ gì? Bạn đã phải bỏ ra những thứ gì? Sau đó, bạn sẽ thử làm phép so sánh giữa những thứ đã đạt được và những thứ đã bỏ ra. Để xem công việc bạn đang làm có là một công việc lý tưởng hay là nó đang kìm hãm sự phát triển của bạn. Sau khi đã xác định kỹ phương hướng, bạn cần phải tính toán các bước tiếp theo.
Chúng ta sẽ phải đặt vấn đề với các sếp như thế nào? Làm sao để đưa bản thân thoát khỏi tình cảnh bế tắc này đây? Nếu như bạn cứ tiếp tục chịu đựng, thì chỉ là bạn đang che giấu sự lười biếng trong suy nghĩ của mình mà thôi.
3. Làm ra làm, chơi ra chơi
Hiện nay, công việc và cuộc sống đang được hòa làm một. Đối tác có thể sẽ giở chứng gọi điện thoại bàn chuyện công việc với bạn vào nửa đêm. Sếp có thể bắt bạn tham gia một cuộc họp trực tuyến vào ngày nghỉ. Ngày nay, khi mọi thứ càng thuận tiện thì xem ra cuộc sống của chúng ta càng khốn khổ.
Một người bạn của tôi làm quản lý của một công ty bảo hiểm. Dù đã gần 50 tuổi, nhưng anh vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết với công việc. Khi còn trẻ, anh chưa bao giờ rơi vào cảnh bị thất nghiệp hay bị sa thải. Chỉ cần có việc để làm, dù khổ hay mệt đến mấy, anh cũng đều chịu được. Tính đến nay, anh chưa hề có một kỳ nghỉ đúng nghĩa nào.
Với anh, đi công tác là đi du lịch. Đi học nghiệp vụ là đi nghỉ dưỡng. Anh là một kẻ phát điên vì công việc. Anh làm mọi thứ trên tinh thần tự nguyện kể cả việc tăng ca. Nhưng anh cũng phải trả một cái giá rất đắt.
Đầu tiên là sức khỏe. Ngày nào anh cũng phải đi tiếp khách và uống bia rượu, lâu dần tích đủ thứ bệnh. Thói quen lười vận động cũng khiến anh trở nên yếu ớt. Những áp lực trong công việc khiến anh dễ stress, nổi cáu và mất ngủ. Và cái giá cay đắng hơn chính là sự xa cách giữa anh với các thành viên trong gia đình.
Công việc của anh đem lại cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định. Anh thuê giúp việc chăm sóc cha mẹ già. Anh cũng tự sắm nhà sắm xe. Đồ vợ anh dùng cũng toàn là đồ hàng hiệu. Anh cũng đầu tư cho con trai ra nước ngoài du học. Nhưng trong gia đình, anh lại như là người dưng nước lã. Khi vợ và con trai đang nói chuyện vui vẻ, chỉ cần thấy anh là hai người sẽ thôi không nói nữa. Anh thỉnh thoảng đến ăn cơm với cha mẹ vài bữa. Trên bàn ăn, ông bà nói chuyện với người giúp việc còn nhiều hơn là nói chuyện với anh.
Nhiều lúc, anh phải hỏi vợ mình rằng: "Tại sao mọi người không thể trò chuyện với tôi như bình thường chứ?" Vợ anh đáp: "Đã hơn chục năm nay, anh thử đếm xem mình đã bao giờ về nhà ăn bữa cơm gia đình. Có bữa cơm gia đình nào là không bị những cuộc gọi công việc của anh làm phiền không? Anh còn gọi điện mắng cấp dưới ngay trước mặt con làm thằng bé sợ phát khóc …"
Anh lúc nào cũng chau may suy nghĩ về công việc. Anh đã tự cô lập mình và tự tách mình ra khỏi mọi người. Anh nói nếu như cho anh cơ hội làm lại từ đầu. Anh thà đi chậm một chút chứ nhất định không hi sinh gia đình cho công việc như đã làm.
Dù chức vụ có cao đến đâu, chúng ta vẫn chỉ là những con người bình thường. Ngoài việc đi làm để kiếm sống và nuôi gia đình, chúng ta vẫn còn phải sống cuộc đời của mình. Chúng ta cần phải được nghỉ ngơi để nạp điện trước khi quay trở lại với công việc.
Những sở thích ngoài lề như thể dục thể thao, trồng cây trồng hoa, chơi đàn chơi cờ,… đều sẽ giúp ta cảm nhận được thi vị của cuộc sống. Những người làm việc điên cuồng đến mức quên cả sống sẽ bỏ lỡ mất những điều tốt đẹp này.
Tin tức liên quan
HÌNH ẢNH KỲ THI ĐẤU THẦU QUỐC GIA K35
Ngày đăng: 27-10-2023
Kế hoạch thi chứng chỉ hành nghề đấu thầu năm 2023
Ngày đăng: 21-12-2022
Hình ảnh thực tế điểm thi kỳ đấu thầu quốc gia kỳ 32
Ngày đăng: 13-11-2022
Hình ảnh thực tế kết quả kỳ thi đấu thầu kỳ 31
Ngày đăng: 31-10-2022
7 THÓI QUEN KHIẾN NGƯỜI KHÁC TÔN TRỌNG TA HƠN
Ngày đăng: 15-10-2022