Nếu đã muốn ra đời và thành công trong xã hội, dù là trong bất kỳ ngành nghề gì, bạn cũng cần phải làm cho người đối diện tôn trọng mình. Sự tôn trọng không tự nhiên sinh ra từ tước vị, tiền bạc hay quyền lực. Bạn cần phải tạo ra nó. Có thể bạn thông minh, có tài, hay bán hàng siêu giỏi, nhưng bao nhiêu đó chưa đủ để làm cho người khác tôn trọng bạn. Nếu có thể tập cho mình 7 thói quen sau đây, cộng với tài năng mà bạn đang có (và ai cũng có tài năng cả nhé), bạn sẽ xây dựng được những mối quan hệ vững bền dựa trên lòng tôn trọng.
1. Be kind – Tử tế với mọi người: tử tế không có nghĩa là với người trên, người cho ta lợi ích. Tử tế nên là thói quen hành xử với tất cả mọi người, từ người trên đến người dưới, từ sếp đến ông xe ôm mà bạn gặp trên đường. Chính sự lịch sự, tử tế này làm cho mọi người tôn trọng bạn. Đâu có gì khó! Mở cửa cho một ai đó sau bạn khi đang bước vào quán cà phê, nhường cho 1 người già trong hàng khi xếp hàng check-out tại siêu thị, mỉm cười và cám ơn mọi người khi cần…. Chỉ vậy thôi.
2. Act respectfully – Hành xử một cách đáng tôn trọng: con người khi giận hay bực mình hay nhướng mắt, cau mày, khi chẳng để ý đến người khác hay tập trung lướt điện thoại, khi muốn tỏ ra quyền lực hay nói át người khác…. Những hành động như thế không những thiếu tôn trọng đối với người đối diện mà còn tạo ra rào chắn khiến người khác không hợp tác giải quyết vấn đề với bạn. Nếu có thể tạo ra môi trường tôn trọng lắng nghe, cho dù bạn không đồng ý với những gì người khác nói, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn cho bạn rất nhiều. Hãy tưởng tượng mình trong vị trí của người bạn vừa có những hành động thiếu tôn trọng để hiểu cảm giác của họ.
3. Listen well – Lắng nghe tích cực: lắng nghe là một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng, và phải là lắng nghe một cách tích cực, không thụ động. Khi lắng nghe tích cực, ta bỏ qua những ý kiến, thành kiến của riêng mình chỉ để lắng nghe và thực sự hiểu được điều người ta đang nói. Nếu để cho thành kiến, suy nghĩ của mình can thiệp vào và xét đoán câu chuyện của người khác trong khi họ còn đang trình bày, bạn đâu có lắng nghe. Là bạn đang xét đoán người ta đó chứ. Hãy nghe một cách tinh khôi, khuyến khích người nói giải thích thêm, đặt câu hỏi khiến người nói có cảm hứng để kể câu chuyện của mình hay hơn. Khi bạn làm được điều đó, bạn đang làm cho người đối diện cảm thấy được tôn trọng, và do đó họ cũng sẽ tôn trọng bạn.
4. Be useful – Luôn giúp đỡ người khác: người luôn lắng nghe và giúp đỡ người khác là người luôn được tôn trọng. Có khi nào bạn nghĩ rằng mình vì quá bận rộn mà quên nhìn thấy, nghe thấy, hay chú ý đến một ai đó xung quanh ta cần được giúp đỡ hay không? Hãy thử trở thành người có ích mỗi ngày và làm một việc gì đó nhỏ để giúp đỡ người xung quanh, bạn sẽ được tôn trọng.
5. Don’t make excuses – Đừng bao giờ đưa ra lý do lý trấu: nếu bạn đến trễ, đó là kết quả của việc bạn đi trễ, hay vì bạn quản lý thời gian của mình chưa hiệu quả. Đừng biện hộ cho bản thân. Nếu bạn làm không xong một việc, đó có thể là kết quả của việc bạn thiếu tập trung, hay bị phân tán tư tưởng vì những điều nhỏ nhặt và không quan trọng khác. Nếu làm chưa được, làm chưa xong, làm sai, hãy có đủ dũng cảm để nhận cái sai về mình, đừng đưa ra lý do lung tung khiến người nghe cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Tốt nhất là nhận sai, bỏ qua chuyện đó, và tập trung vào việc làm sao cho công việc hiệu quả hơn.
6. Let go of anger – Học cách không nổi giận: nhiều người sau khi chuyện xảy ra thì nổi giận và để cho cái giận nó gặm nhấm mình. Khi nổi giận, bạn chẳng còn nhớ gì, chẳng còn điều khiển nổi bản thân thì dĩ nhiên sẽ cư xử thiếu tôn trọng với người khác. Có khi, chuyện bạn giận chẳng qua chỉ vì hiểu lầm ý của người khác. Vậy mà có những cơn giận vô lý như thế làm cho quan hệ của bạn với mọi người tệ hại hẳn đi, không vì một cái gì cả. Vậy có đáng không? Bạn rồi sẽ hối tiếc vì mình thật là vô lý. Chẳng ai trên đời này là hoàn hảo cả. Tôi cũng vậy và bạn cũng thế. Ai cũng có lần sai lầm. Hãy biết dung thứ, lắng nghe, và tìm cách gỉai quyết sự việc thay vì nổi cơn giận dữ. Người khác sẽ tôn trọng bạn hơn.
7. Be willing to change - Sẵn sàng thay đổi: cứ khư khư ý kiến của mình, cho rằng mình đúng không phải là cách để thành công. Người thành công hiểu rất rõ sự tiến hoá đồng nghĩa với sự thay đổi. Mà khi môi trường và thế giới thay đổi thì điều bạn biết hay nghĩ có khi chẳng còn đúng nữa. Hãy cho mình cơ hội phát triển bản thân, học kiến thức mới mỗi ngày, học kỹ năng mới mỗi ngày, thử những hoạt động mới, đôi khi xem xét lại cách hành xử của chính bản thân xem có còn phù hợp với thời đại mới hay không. Người luôn học hỏi, tiến hoá cùng thế giới sẽ được người khác tôn trọng.
p/s: Sưu tầm