Thầu phụ và Chuyển nhượng thầu .
Chủ đầu tư có Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một dự án A, trong đó có Gói thầu số 1: Cung cấp vật tư thiết bị điện với giá trị khoảng 40 tỷ đồng. Chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu X là nhà thầu trúng thầu Gói thầu số 1 với giá trị 36 tỷ đồng. Nhà thầu X lại ký hợp đồng mua bán thiết bị giá trị 34 tỷ đồng cho đúng Gói thầu số 1 của dự án A với một nhà thầu Y.
Hỏi:
Trường hợp nêu trên có phải là hành vi chuyển nhượng thầu?
Sau đó, nhà thầu X và nhà thầu Y nêu trên lại sử dụng hợp đồng thực hiện Gói thầu số 1 của dự án A để làm hợp đồng tương tự khi tham gia dự thầu một gói thầu khác. Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải đánh giá 2 hợp đồng của 2 nhà thầu này như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp bạn nêu trên đây liên quan đến nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Do đó, trước hết phải làm rõ khái niệm nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Theo quy định tại Khoản 35 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013, nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn.
Khoản 36 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Theo câu hỏi của bạn thì nhà thầu X là nhà thầu chính.
Hiện nay pháp luật về đấu thầu không quy định một mức tỷ lệ cụ thể về việc tham gia thực hiện hợp đồng giữa nhà thầu phụ và nhà thầu chính; tỷ lệ này có thể quy định theo các pháp luật liên quan (nếu có). Trường hợp pháp luật liên quan không quy định thì sẽ do chủ đầu tư tự quyết định.
Trường hợp khi tham gia dự thầu nhà thầu chính được phép sử dụng nhà thầu phụ theo một tỷ lệ nhất định quy định trong hồ sơ mời thầu thì nhà thầu phụ này phải được nêu tên, giá trị thực hiện trong hồ sơ dự thầu. Chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho nhà thầu chính X được hiểu là đã chấp thuận nhà thầu phụ thực hiện gói thầu này. Ngoài ra, nhà thầu chính X được phép sử dụng nhà thầu phụ khác (gọi là nhà thầu phụ Z) ngoài nhà thầu phụ đã kê khai và phải được chủ đầu tư chấp thuận. Giá trị phần công việc dành cho nhà thầu phụ Z này phải đảm bảo không quá 10% (hoặc không quá 50 tỷ đồng) giá trị sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hồ sơ dự thầu.
Đối chiếu quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013 về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trường hợp nhà thầu chính không kê khai nhà thầu phụ trong hồ sơ dự thầu, sau đó chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá trị hợp đồng đã ký kết thì bị coi là vi phạm quy định của Luật (hành vi chuyển nhượng thầu).
Sau khi thực hiện hợp đồng, nhà thầu chính và nhà thầu phụ được kê khai năng lực khi tham gia dự thầu một gói thầu khác tùy và theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu mà được đánh giá là đạt hay không đạt.
Tin tức liên quan
TỶ LỆ ĐẢM BẢO DỰ THẦU
Ngày đăng: 26-11-2024
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư ( mới nhất 21/9/2024)
Ngày đăng: 21-09-2024
Hỏi: Khi nào chủ đầu tư tự duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu?
Ngày đăng: 10-07-2024
Hỏi: Khi nào nhà thầu được xác định là độc lập với chủ đầu tư?
Ngày đăng: 08-07-2024